Phạm Tộc: Lộc Hạ - An Thủy - Lệ Thủy - Quãng Bình
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Phạm Tộc: Lộc Hạ - An Thủy - Lệ Thủy - Quãng Bình

Chào mừng đến với Phạm Tộc - Welcom to the Pham Concord
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 CHUYỆN ĐUA BƠI

Go down 
Tác giảThông điệp
mr.phucpham96
Admin
Admin
mr.phucpham96


Tổng số bài gửi : 187
VNPoints : 612
Danh tiếng : 0
Join date : 18/06/2010
Age : 27
Đến từ : Đà Nẵng

CHUYỆN ĐUA BƠI Empty
Bài gửiTiêu đề: CHUYỆN ĐUA BƠI   CHUYỆN ĐUA BƠI I_icon_minitimeSun Jul 17, 2011 6:18 pm

CHUYỆN ĐUA BƠI

Đã hơn ba mươi năm rồi làng tôi chưa có cái giải nào về bơi chải. Các bô lão trong làng nghe chừng sôi sục lắm. Trước đây làng đã từng mấy năm liền nhất nhì. Có năm về trước người ta đến cả trăm thước. Thế nên năm nay, làng quyết tâm đầu tư thích đáng để kiếm cái giải, bõ tức mấy làng bên gièm pha “làng ấy mà bơi thì thế nào cũng đuổi người ta chạy trối chết”.
Làng tôi trước có cha con ông Thợ Thọ chuyên nghề đóng thuyền. Mấy năm liền làng phó thác việc đóng thuyền bơi cho cha con ông. Vốn giỏi nghề, lại coi đây như là một ân huệ mà làng ban cho, cha con ông chẳng một chút lơ là, bắc cả mái rạ, trải chiếu ngủ lại cả nơi đóng thuyền. Sản phẩm đầu tiên đã mang về giải nhì trong niềm hân hoan của dân làng. Rồi con thuyền ấy, năm sau được rã ra sửa lại, nó đoạt giải nhất. Cả làng như phát điên lên vì sung sướng khi nó lao về đích đầu tiên. Rồi như cái dớp sinh nghề tử nghiệp, năm đó cha ông mất ở cái tuổi ngoại tám mươi. Ông thì còn trẻ nên làng thôi không giao việc đóng thuyền cho nữa. Suốt gần bốn mươi năm nay, hết chiến tranh, đua bơi được tổ chức lại. Năm nào làng cùng mua ván, rước thợ đóng thuyền nhưng vẫn cứ lẹt đẹt mãi.
Quanh cái chuyện này có rất nhiều ý kiến. Người thì đổ cho trai bơi, chúng nó bây giờ èo uột, lao động chân tay thì ít, cái gì cũng máy. Cày máy thay trâu, không còn phải lội ruộng hổi cày đôi, thụt lên, thụt xuống vết chân trâu. Bơm máy, không còn phải đạp xe guồng nước, giật gàu dai hai ba tầng mới kéo được tí nước từ sông lên đồng bãi. Lúa thì gieo thẳng, không phải còng lưng mà cấy. Đến cây cỏ cũng thuốc diệt cỏ. Gặt hái thì tuốt ngay tại ruộng chỉ có chở thóc về, không phải gánh. Đâm ra dân làm ruộng mà cứ lõng thõng trên bờ. Suốt ngày chỉ ba chén rượu, lấy đâu ra sức mà bơi. Nghe nói dân làng dưới năm rồi phải thuê cả chục trai bơi vùng sông nước mới được giải. Thiệt không ra mần răng. Người thì nói tại gỗ lạt chẳng ra răng. Xưa rừng bạt ngàn, gỗ tốt cho đóng thuyền không thiếu, Sao, Sến, Kiền Kiền, Huệng, Dỗi… Mỗi năm đóng một cặp cho bơi, đua. Thợ sơn tràng cứ vào rừng mà chọn, hạ xuống, kéo về, xẻ ra để cho khô kiệt rồi mới đóng. Bây giờ rừng cạn kiệt sang tận Lào rồi. Nghe đâu, gỗ đóng thuyền giờ phải nhập từ Ma Lai ma liếc gì đó, xa lắm. Người thì có vẻ thành thạo hơn, trai mô nỏ được, yếu thì yếu đều cả huyện, gỗ hiếm thì khó như nhau, ăn nhau là cái anh thợ vạt thuyền ấy. Mấy năm gần đây có cha con thợ cả từ Tuyên Hóa vào, dám tuyên bố vạt thuyền mà không dính giải thì không lấy tiền công. Muốn cho ai nhất là nhất. Năm ngoái, An Xá phải nói khó là để An Xá nhất một năm đón mừng Đại tướng trăm tuổi ông ấy mới nhận lời. An Xá nhất thật. Mới biết ăn nhau là kỹ thuật đóng. Làng mình có ông Thợ Thọ sao không mời ông ấy. Làm cho làng chứ cho ai mà sợ.
Sư nói phải, vãi nói hay, chẳng ai chịu ai. Nhưng rồi những ý kiến đó cũng đến tai những người có trách nhiệm của làng. Năm nay, làng vẫn mời thợ nhưng thay vì giao khoán cho thợ, làng mời thêm Thợ Thọ cố vấn.
Thế rồi ngày trọng đại cũng đến. Hôm đó HTX kéo gỗ về. Nõ biết các cha ấy kiếm đâu ra mà được năm tấm gỗ dỗi đỏ au. Nghe đâu mua từ Tuyên Hóa, ngót trăm rưỡi triệu. Vậy là từ ngày đó sân kho Đội Hai thành đại công xưởng đóng thuyền, lúc nào cũng đông đúc mà chủ yếu là các bô lão. Tháng tám, bầu trời không một gợn mây, “nắng tháng tám nám trái bưởi”, cái thứ nắng như dội lữa vào da thịt, bỏng rát. Manh áo mặc thoắt ướt mồ hôi, thoắt khô, muối đọng thành vệt trắng. Mới năm giờ sáng mà nắng đã xiên khoai vào tận ban thờ. Ra đường là bất đắc dĩ, vậy nhưng không cản được cái sự hăng hái của các lão nông tri điền. Sáng bãnh mắt họ đã tề tựu ở cái lán dùng làm xưởng đóng thuyền. Họ đến để mục tại sở thị sự kiện trọng đại của làng.
Chỗ đó chẳng có bóng cây, mái lá gì, người ta buộc giàn, kéo mấy tấm bạt dứa. Gió lào thổi rần rật từng đợt. Bao quanh cái lán lúc nào cũng đông người. Kẻ đứng, người ngồi. Tiếng máy bào xoen xoét, tiếng máy khoan rin rít, tiếng dùi cui bổ vào đầu đục kêu chan chát. Thợ thì ít mà người xem thì đông, tiếng bình phẩm, tiếng cãi vã không dứt. Chen trong đám đông đó có ông Thợ Thọ, một tay cự phách trước đây về nghề đóng thuyền. Hơn bốn mươi năm trước, chính tay ông đã cùng cha bắt mực một con đò bơi về giải nhất. Sự kiện đó đã vinh danh cha con ông suốt một thời gian dài. Chỉ tiếc là chiến tranh ác liệt, chẳng ai đua bơi. Rồi đồng làng có xe công nông thay thuyền chở lúa, cái nghề đóng thuyền của ông cũng đi vào lãng quên. Thoắt cái đã hơn bốn mươi năm rồi ông đã ở cái tuổi ngoài tám mươi, không còn sức khoẻ mà cầm cưa, cầm đục. Thầy thợ bây giờ sướng thật, cái gì cũng máy. Bào tấm ván thuyền cả mười lăm mét cứ nhẹ tênh. Cắm điện vào, đẩy, thế là phoi bào bay cuồn cuộn. Thời của ông cái gì cũng tay, bào tay, khoan tay. Có cả nghìn cái lỗ khoan trên con thuyền ấy. Cái khoan tay làm bằng hai ống gỗ với cái dây xoắn bằng da trâu của ông phải mất mươi ngày mới xong. Nay khoan máy chỉ mất có buổi sáng.
Đóng thuyền bơi cốt sao nó đi cho nhẹ, cho nhanh mà lại đằm. Đó là cả một nghệ thuật và cũng là bí quyết. Thuyền được đóng bằng năm tấm ván, tấm đáy gọi là con tè, hai tấm nghiêng là con tiếp, hai tấm bên là mạn. Tài nghệ của người thợ là mở rộng hay thu nhỏ từng con sao cho dáng thuyền phù hợp nó mới lướt nước. Thời nay khoa học kỹ thuật người ta gọi là thủy động học. Thời ông chỉ là kinh nghiệm cha truyền con nối. Ngày ông lẽo đẽo theo cha làm nghề đóng thuyền, cha ông lôi ông xuống sông lấy một cái đòn xóc, một cái đòn gánh, ông thả từng cái một xuống nước rồi đẩy mạnh. Đấy con xem, cùng một lực đẩy nhưng cái đòn xóc thon nhọn rẽ nước băng băng ra xa. Còn cái đòn gánh tre chạy gằn được một quãng ngắn rồi dừng lại. Con thuyền cũng vậy, cứ nhìn cái nào chờm lên rồi giật lại, rồi chờm lên, giật lại là không thể bằng anh đi như mũi khoan. Bí quyết là ở chỗ con tè và con tiếp. Hai con đó nó tạo dáng cho con thuyền, tạo trọng lực cho con thuyền rẽ nước và luôn ở thế lao về phía trước.
Thuyền bây giờ chủ yếu được đóng bằng đinh. Ván thuyền được liên kết bằng đinh nên khó điều chỉnh. Thời của ông, con tè, con tiếp được néo bằng sợi mây qua lỗ khoan được khoan ở mép hai tấm ván, xảm tràm và nêm chặt bằng các lá nêm gỗ. Bí quyết của hệ thống nêm và các dây néo là thợ cả có thể buông chùng hoặc kéo căng tấm đáy (co tè) để cho nước trong lòng thuyền dồn đến đầu này hoặc đầu kia. Như vậy là trọng tâm con thuyền có thể dịch chuyển đến vị trí thích hợp như ý muốn. Mấy nhát búa vào con nêm đầu này hay đầu kia có ý nghĩa rất lớn đối với tốc độ con thuyền. Đây là bí quyết nhà nghề mà người thợ mộc sống để bụng, chết mang theo.
Ngày con thuyền hoàn thành, làng làm lễ tế long thần và đặt nó trong một cái lán ven sông. Kể từ đây chỉ có thợ cả mới được vào lán. Làng cắt cử bảo vệ ngày đêm túc trực, hương khói cho đến khi đưa xuống nước.
Năm nay, ông Thợ Thọ không ngày nào vắng mặt ở chỗ con thuyền. Hai tay chắp sau mông, cái kính lão trễ mũi, ông ngó nghiêng từng chi tiết. Đám thợ cả, do có thỏa thuận trước nên rất tôn trọng ý kiến của ông. Ngày sắp hoàn thành, ông Thợ Thọ dậy từ rất sớm, áo mũ chỉnh tề. Ông biết hôm nay là ngày rất quan trọng, ngày đặt nêm. Vừa bước vào lán ông đã thấy không khí trang nghiêm của đám thợ. Tất cả đã được bày sẵn, xôi, thịt, hoa quả, trà rượu chờ ông làm lễ. Đã ngoài tám mươi, tay ông run run nâng cao ba nén hương bái lạy rồi lầm rầm khấn cầu thần linh, long thần, thổ địa cho con thuyền lướt nhẹ, mang cái giải về cho làng. Lễ tất, ông ngồi sau lái ngắm con thuyền rồi quyết định đặt cái nêm chính ở khoang nào. Không hiểu sao, ông cảm thấy rất nhẹ nhõm. Nhìn dáng con thuyền ông tin rằng nó sẽ băng về đích trước thiên hạ.
Ngày hạ thủy để bơi thử, Thợ Thọ đích thân ngồi lái cai, trai làng náo nức gõ mõ, vục chầm. Quả như dự doán, con thuyền cứ như mũi khoan xé nước lao về phía trước. Thợ Thọ xoãi chân đạp vào lang thang, một tay cầm lái cai, một tay chống phía sau, cái đầu hơi ngữa, đôi kính lão lấp loáng nắng, rất ấn tượng. Cuối buổi ấy ông điều chỉnh tí chút rồi cho sơn thuyền, chuẩn bị cho ba ngày sau bơi cụm. Từ hôm đó, những chuyên gia dự đoán của làng tha hồ mà bình phẩm. Người thì nói, cái lái thuyền ngót nước hơi kém. Kẻ thì bảo, mũi hơi trìm khi trở dễ bị nhào nước vô thuyền… Thây kệ, ông rất tự tin ngồi nhâm nhi chén rượu.
Ngày bơi cụm, cả làng náo nức. Từ sáng sớm trẻ già, trai gái đã đứng ngồi kín cả đoạn sông, cờ xí rợp trời. Đang kỳ nông nhàn, trẻ con đang nghỉ hè, nhiều nhà gói cả bánh trái, bình nước mang theo. Dưới các tán cây các bàn trà lá, hoa quả la liệt. Dưới sông, lũ lượt đò bơi từ miệt làng An, làng Phú, làng Lộc, làng Tuy tay chầm rập ràng theo tiếng mõ kéo lên. Trai bơi đồng phục xanh, vàng, trắng, đỏ ngồi trên những con thuyền vẽ rồng sặc sỡ. Ai cũng dương dương tự đắc như thách thức. Thuyền bơi đi đến đâu là tiếng reo hò vang dậy, rạo rực, phấn chấn lắm. Đến giờ tốt, thuyền bơi làng tôi cũng xuống nước, tiếng mõ, tiếng phèng la vừa rộn rã, vừa thâm nghiêm. Hôm nay, trai bơi làng mặc bộ áo đỏ có hình ngôi sao trước ngực. Nhoáng một cái, khúc sông trước mặt lại lặng yên. Đám thanh niên rần rật xe máy ngược lên Mũi Viết xem buông phao.
Trưa đó, tin vui loang rất nhanh, thuyền làng tôi về nhất mà lại cách thuyền sau đến năm thân. Một đêm không ngủ, xóm dưới, thôn trên đi dâu cũng chỉ một chủ đề. Nhiều người dự đoán năm nay làng tôi sẽ nhất huyện. Từ hôm đó, trai bơi ngủ tập trung, ăn chế độ đặc biệt. Ông Thợ Thọ cũng chẳng về nhà, ngủ luôn ở sân kho hợp tác.

Chẳng ở đâu vui như ở Lệ Thủy vào ngày Quốc khánh. Con dân Lệ Thủy từ mọi miền đất nước đổ về. Nhiều năm rồi, tết cũng không vui bằng ngày Quốc khánh. Những ngày này mới tụ họp đông đủ. Người tận Thủ đô về, tận Sài Gòn ra, ai cũng náo nức đổ ra bờ sông Kiến Giang. Từ sáng sớm nhiều nhà đã bánh tày, bánh ít, hoa quả, chiếu, tấm trải đổ ra sông tìm tán cây ngồi chờ kín đặc cả hai bờ. Dưới sông hàng trăm chiếc thuyền nhỏ dựng mui, đặt sạp cả nhà ngồi. Thuyền nào cũng có cờ đỏ, cờ rực rỡ cả dòng Kiến Giang. Ngã ba sông ở Mũi Viết là đông đúc nhất. Ở đó có lễ khai mạc, ở đó là nơi buông phao, xuất phát và cũng là đích về.
Giờ buông phao chung kết, thuyền làng tôi xếp thứ ba từ bờ tả ra. Lại một lần nữa may mắn, ở vị trí ấy ít bị đè, ít bị sóng. Súng nổ, hiệu lệnh xuất phát đã điểm, cả một khúc sông mù mịt trong bụi nước. Những chiếc chầm loang loáng, tiếng mõ, tiếng hô vang trời. Chỉ một loáng hàng chục chiếc thuyền đã mất hút sau đoạn khuất phía thượng nguồn. Ở bến sông của làng, chỗ cái lán ông Thợ Thọ cùng các bô lão ngóng tin từ đám thanh niên chạy xe máy theo thuyền lên thượng tiêu. Chừng mươi phút sau đã có tin về: đò làng mình đang dẫn đầu. Thợ Thọ tự thưởng cho mình một chén rượu. Sướng rêm. Hơn nữa tiếng sau, phía thượng nguồn đã thấy bụi nước bay mù, áo màu nổi bật trên mặt sông, những chiếc chầm chấp chới. Trống dục, tiếng gào từ hai bờ “lên đi”, “lên đi”. Nhiều người nhào cả xuống sông, nón, mũ té nước. Chẳng ai bảo ai, mọi người nhất loạt đứng cả lên, mắt ngóng lên đầu sông. Rồi chiếc đi đầu đến, tất cả như ngơ ngác, chẳng thấy thuyền làng mình đâu! Chưa hiểu ra làm sao thì đám thanh niên chạy xe máy đã nhào tới, chúng thất thanh:
- Đò chìm ở thượng tiêu.
Không tin được, mọi người nhao nhao:
- Sao chìm, sao chìm.
- Bị đò làng Phú đâm lái, đè chìm. Mấy cha làng Phú chơi xấu.
Đâu đó có tiếng chửi đổng: Mẹ cha chúng nó, đã bảo mà, đừng thuê chèo lái làng Phú mà không nghe, chừ mới trắng mắt ra, tụi nó cố tình chơi đểu rồi.
- Đò làng Phú xuống chưa
- Vừa xuống rồi, chắc sắp đến hạ tiêu.
- Khi nó lên lao đò ra chặn lại, đánh bỏ mẹ nó đi.
Rồi rần rật, rần rật kẻ nhặt đá, kẻ nhào xuống mấy cái đò nhỏ đậu ở bến, hỗn loạn, sắp đánh nhau to. Ông Thợ Thọ từ nãy đến giờ cứ ngồi lặng như pho tượng, tay vẫn cầm chén rượu bỗng đứng phắt dậy thét lên, tiếng thét chói tai.
- Thôi đi.
Chẳng ai ngờ tiếng thét ấy thoát ra từ miệng ông lão ngoài tám mươi. Tất cả sững lại, hướng về phía ông.
- Trìm thì tát nác đi mà bơi tiếp, chứ mần răng mà bỏ cuộc, mà đập chắc, mà gây hận thù.
Câu nói như dội một gáo nước vào đám lửa. Mấy đứa thanh niên buông tay, bỏ đá, trân trân nhìn ông. Rồi như hiểu ra điều gì đó, đám đông lẵng lặng ngồi xuống. Cơn giận qua đi rất nhanh cũng như lúc nó đến vậy.
Sau giải bơi năm ấy, lại như một định mệnh, ông Thợ Thọ ốm liệt giường rồi ra đi ở cái tuổi ngoại tám mươi.

Về Đầu Trang Go down
http://www.google.com.vn/
 
CHUYỆN ĐUA BƠI
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Phạm Tộc: Lộc Hạ - An Thủy - Lệ Thủy - Quãng Bình :: Thông tin về Tộc họ :: Chuyện trong Họ-
Chuyển đến