Phạm Tộc: Lộc Hạ - An Thủy - Lệ Thủy - Quãng Bình
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Phạm Tộc: Lộc Hạ - An Thủy - Lệ Thủy - Quãng Bình

Chào mừng đến với Phạm Tộc - Welcom to the Pham Concord
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Hò khoan Lệ Thủy - Nét đặc sắc, độc đáo của quê hương xứ Lệ

Go down 
Tác giảThông điệp
mr.phucpham96
Admin
Admin
mr.phucpham96


Tổng số bài gửi : 187
VNPoints : 612
Danh tiếng : 0
Join date : 18/06/2010
Age : 27
Đến từ : Đà Nẵng

Hò khoan Lệ Thủy - Nét đặc sắc, độc đáo của quê hương xứ Lệ Empty
Bài gửiTiêu đề: Hò khoan Lệ Thủy - Nét đặc sắc, độc đáo của quê hương xứ Lệ   Hò khoan Lệ Thủy - Nét đặc sắc, độc đáo của quê hương xứ Lệ I_icon_minitimeSun Jul 17, 2011 6:47 pm

Hò khoan Lệ Thủy - Nét đặc sắc, độc đáo của quê hương xứ Lệ

Trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân các làng, xã ở Việt Nam từ xưa đến nay, hò khoan là một hình thức sinh hoạt cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực, là một loại hình văn hóa tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm hồn người dân đất Việt.
Thông qua làn điệu hò khoan những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động, trong xã hội, trong gia đình, dòng họ và tình yêu đôi lứa được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những làn điệu hò khoan mượt mà tình cảm là điểm tựa tinh thần của cộng đồng nên dù xã hội có biến đổi thì nét văn hóa đặc sắc đó vẫn tồn tại và phát triễn không ngừng.
Hò khoan là một net văn hóa của người dân Việt Nam, là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy và sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Người dân nông thôn quanh năm lao động vất vả, một nắng hai sương, vì vậy hò khoan được coi là yếu tố tạo ra sự thư giãn tinh thần, là sự biểu hiện cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, xã hội và cộng đồng. Con người có thể tìm thấy chính mình, sự hồn nhiên, hưng phấn nghệ thuật, những cảm xúc chất phác, trong sáng khi được giao lưu với nhau trong qua trình đối đáp hò khoan. Đồng thời thông qua những câu hát đối đáp con người nguyện cầu về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu,là dịp trai gái bày tỏ tâm tư tình cảm của mình ...
Cũng như bao vùng quê khác ở Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung, Lệ Thủy là vùng đất mang trong mình bề dày văn hóa lâu đời, nét giao thao văn hóa và pha trộn văn hóa của người Việt từ phía Bắc vào và của người Chăm ở miền Trung, nhưng chủ yếu của người Việt đã tạo nên nét đặc trưng riêng đó là văn hóa Lệ Thủy. Đây là vùng đất có nhiều làn điệu dân ca truyền thống, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần khá đa dạng như: Hò khoan giã gạo, hò đối đáp đêm trăng...
Mọi hình thức văn nghệ dân gian, đều thể hiện bản sắc văn hóa nơi nó sinh ra, đậm đà, sâu sắc. Loại hình hò khoan Lệ Thủy - Quảng Bình, không những thế mà còn là làn điệu rất độc đáo nữa. Do hoàn cảnh địa lí, người dân Quảng Bình phải gánh chịu thiên tai hết sức khắc nghiệt và địch họa rất ghê gớm nên có tính cách riêng. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần kẻ địch muốn hủy diệt vùng đất hẹp này, song lần nào, người Lệ Thủy Quảng Bình cũng anh dũng đứng lên đấu tranh thắng lợi, bằng nhiều cách rất độc đáo, rất linh hoạt, lạc quan. Cuộc sống ấy được thấm đẫm vào từng người rồi thể hiện ra trong 9 làn điệu hò: mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruỗi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lĩa trâu. Trong 9 làn điệu ấy thì hò mái xắp là phổ biến hơn cả, nó đặc biệt sâu rộng. Trước đây, người Lệ Thủy gần như già, trẻ, gái, trai đều biết hò. Chưa có một hình thức văn hóa, văn nghệ nào mang tính phổ thông như hò khoan ở vùng này.
Ai cũng biết, mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều có những làn điệu dân ca đặc trưng. Các làn điệu khác thường diễn ra trong các lễ hội. Hàng năm, vào những ngày nhất định, ở những tụ điểm có sẵn, đã thành “ lệ” như một quy định có truyền thống. Người dự hội, chủ yếu là nam thanh, nữ tú ăn mặc quần áo rất đẹp của mình, trang điểm hẳn hoi rồi mới đến dự hội. Đến đó, chốn người đông, bên nam bên nữ chọn những tay “anh chị” nhất của giới mình ra hát đối đáp. Những liền anh, liền chị ấy là những giọng hát chọn lọc, có sẵn những bài dân ca, chuẩn bị từ trước…
Hò khoan Lệ Thủy - Quảng Bình thì không như thế. Nó diễn ra chủ yếu trong lúc làm việc, hò khoan theo nhịp của lao động chân tay, tay làm miệng hát, lúc đập lúa, nhổ mạ, lúc cấy, gặt, đạp lúa, rũ rơm, xay thóc, giã gạo…nó cũng diễn ra lúc lễ lạc, hội hè ở sân đình, chay rạp…nhưng chỉ là số ít. Phổ biến nhất là giã gạo trên sân nhà, dưới ánh trăng đêm. hò khoan còn là một nguồn kích thích đẻ quên đi cái mệt nhọc vất vả, quên cái đói cồn cào trong bụng. Lúc đói hát càng hay thì đó quả là điều kì diệu. Kinh nghiệm cho thấy “Đau nên mát, đói hát hay”, mọi người đều công nhận như thế. Bởi vậy, nơi nào họ cũng hò hát được. Đang làm việc ở trên đồng, trên sông, phá, trên đường đi, giữa chợ rồi đến hội nghị, đám cưới và cả trên sân khấu đều hò. Một người càng hò, hai người càng hay, càng đông càng tốt, rất độc đáo ai cũng diễn viên, ai cũng khán giả. Nếu chỉ có một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái nhiều người hò con, thể hiện đủ mọi đề tài. Hò thi nhau, trêu tức nhau, hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí… rất uyển chuyển, linh hoạt.
Do việc hò diễn ra phong phú như vậy, nên nhạc cụ cũng rất đơn giản. Hò ở sân đình, ở rạp thì chỉ có trống đại, người hay đi hò giao du có đội sanh. Nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thì đôi tay vỗ vào nhau rập ràng, đúng nhịp cũng tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn. Có cái trống cũng không phải chỉ là hiệu lệnh thúc giục động viên người hò mà còn hỗ trợ gỡ bí cho người hò cái. Người ta không nghe được giọng hò mà chỉ nghe tiếng trống chầu , cũng biết được đang hò hay như thế nào. Bởi vì, sau câu hò cái liền có ba tiếng trống chầu, câu hò hay sẽ có sáu tiếng; hay nữa có 9 tiếng, làm cho người hò, người nghe đều thú vị, sảng khoái. Trường hợp người hò cái bị bạn hò dồn vào thế bí cần có thêm ít thời gian suy nghĩ thì trống chầu xen vào 3 tiếng giữa câu, coi như xóa cái lỡ nhịp làm lại từ đầu. Nhờ trống mà có thêm thời gian được 3-4 nhịp.
Đôi sanh của người chuyên hò, cũng là nhạc cụ hay. Tiếng sanh hòa tiếng vỗ tay, hoặc tiếng chày giã gạo tạo ra sinh khí. Nó đặc biệt lợi hại khi hò đấu trí, hò xấc leo, đuổi nhau, công kích nhau, truy nhau như cuộc đua càng vào giai đoạn càng hấp dẫn. Đến cao trào như vậy, sanh gõ một hồi tức là đã chịu thua bạn. Người cùng giới có mặt tiếp ứng vào, nếu không, tan cuộc, hẹn trả món nợ ấy vào đêm sau.
Hò đấu trí, hò xấc leo, hò ghểnh… là điều hết sức rất độc đáo và thú vị. Chỉ có ở loại hình này mới vừa sáng tác, vừa biểu diễn, sáng tác lại gò vào thời gian của nhịp điệu, nó không có luật định rõ nhưng điều kiện đúng nhịp để ràng buộc rất khắt khe. Bạn hò xướng lên một câu, bất kì đề tài gì, khi người xướng vừa dứt tiếng và hò con kết thúc. Bí quá thì có “trống ngước” nhưng chỉ vài ba nhịp thôi mà người xướng lại nêu liên tiếp, có khi đến hàng chục câu “quyết dồn” đối phương vào giữa “trận đồ bát quái”. nếu không nhanh trí, thông minh lại thua, lại bị chê cười. Hò hát như vậy làm sao mà không cuốn hút, hấp dẫn. Đơn cử lối hò như sau:
Nữ: Gặp anh đây hỏi thiệt một lời
Tạo thiên lập địa, tuổi trời tuổi chi.
Nam: Em ra đó kêu đất mà đất ơi
Thì vô đây anh nói tuổi ông trời cho em nghe.
Nữ: Hỏi anh chi sắc hơn dao?
Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời.
Nam: Mắt em nó sắc hơn dao
Rốn sâu hơn biển, trán cao hơn trời.
Nữ: Giờ anh nói đúng mới tài
Ai đào sông cho cá lội? Ai chống trời cho chim bay.
Nam: Em hỏi anh, anh nói cho em hay
Võ Trần “ Mai” đào hói, Trương Dương “ Nạng” chống trời chứ ai.
Nữ: Em giao anh một giãi muống chiên
Anh thả xuống hồ cho tươi lại, xin kết nguyền trăm năm.
Nam: Thì anh đưa em một ống tre khô
Em trồng cho mau tốt, để chẻ lạt đem qua hồ bó rau.
Cứ như thế bên xướng bên đáp nếu nữ xướng nam không đáp được là thua, nam đáp hết, nữ không xướng được ra nữa là thua.
Cũng có thể các lối hò vừa sáng tác vừa biểu diễn lần đầu sau đó người ta bắt chước hát lại. Song độc đáo của hò khoan là nhằm vào đối tượng đang đứng trước mặt, đang làm việc với nhau, hoặc bị bắt “ cóc” bất ngờ. Nó giống như một cuộc giao chiến. Bên này “phóng lao qua” bên kia bắt “phóng lại”.
Có những trường hợp như: ông thợ Quán ở làng Quảng Cư hò với mụ Con làng Lộc An. Sau nhiều câu qua lại, không ai thua ai, thợ Quán mới “ xoi tì, xỉ tướng” mụ Con chỉ có một con mắt bằng một câu hóm hỉnh rất “ ác” là:
Chim quyên đậu mái đình thần
Đứng xa một cặp…đến lại gần một con!
Mụ Con không trả ngay được phải “ nợ” lại hôm khác.
Việc vừa sáng tác vừa biểu diễn mà vùng này gọi là hò “ bắt miệng” rất phổ biến, tập hợp lại thành cả một cuốn sách.
Hò khoan Lệ Thủy Quảng Bình tính nhân văn rất cao. Sự bình đẳng gần đến như tuyệt đối. Đã vào hò là không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán…nghèo mà hò hơn giàu, tớ mà hò hơn chủ càng được tôn trọng, nhiều khi còn được chủ thưởng…
Ông Lê Văn Khoan ở vùng Lộc An xã An Thủy nổi tiếng thông minh có học thức. Người trong vùng thường gọi ông là ông Học Chè. Mùa gặt chiêm ông ra đồng trông bạn gặt lúa thuê cho ông và giữ “con mót”. Tất nhiên kẻ đi mót rất sợ người coi “ con mót”.
Chị Ân người ở làng Liêm Thiện xã Dương Thủy nghèo khó vượt gần chục cây số về mót lúa ở ruộng ông Học Chè. Ông Học Chè biết chị Ân hay hò khoan mới bắt một câu rất sâu cay:

“……..Này O ơi !
Sao O không đi cắt mà lấy ló?
Sao không đi bó cho ra bộ làm thuê?
Làm chi khổ cực rứa O hè…
Họ chùm hum lưng xuống, cái rổ O kề sau khu”.

Nghe câu hò của ông chủ cả bạn gặt đều cười rất vui. Hình ảnh người gặt chùm hum lưng, con mót kề rổ phía sau khu là một thực tế. Song ở đây có ẩn ý khinh miệt, thô lỗ đối với người nghèo. chị Ân bị xúc phạm chị tiếp ngay một câu hò, vẫn giữ địa vị của kẻ nghèo hèn, nên tỏ ra lịch sự nhưng lại đanh đá, cũng với ẩn ý thô lỗ, tục tằn, làm cho ông chủ rất đau.
Chị hò:
“ Dạ thưa ông:
Buổi mùa màng xướng ca không ai chuộng!
Làm nghề trưa ruộng, em không có số sang giàu…
Phải đi bòn, lại sợ người coi con mót đánh đau.
Nên chi phải chùm hum lưng xuống…để họ đứng sau họ dòm!”
Ở đây người coi con mót là ông Học Chè, đứng dằng sau, chị Ân đang đứng chùm hum lưng xuống, thì dòm cái gì chứ? Một câu hò bất kính, xấc xược nơi khác khó tránh khỏi đòn roi của ông chủ. ở đây chị Ân không bị đánh mà còn được ông chủ khen giỏi. Cả bạn gặt được một trận cười thú vị, thoải mái quên hết mệt nhọc. Ông Học Chè thưởng cho chị một gánh lúa nặng, sức bao nhiêu gánh bấy nhiêu, chị gánh về luôn.
Nếu nói rằng, bình quyền, bình đẳng là nội dung sâu sắc nhất của chữ nghĩa nhân đạo, mà mục tiêu loài người muốn vươn tới, nó được nêu ra trong các khẩu hiệu cách mạng và rất khó đạt được, thì trong hò khoan nó không còn là mục tiêu, là khẩu hiệu mà là hiện thực, ai cũng tôn trọng, cũng tự giác chấp hành, đem lại cho con người cái quyền cơ bản nhất.
Cũng như các thể loại văn nghệ dân gian khác, hò khoan phản ánh mọi mặt của cuộc sống: Tình yêu trai gái, quan hệ vợ chồng, bè bạn…rồi các hoạt động khác của xã hội như: hò chủ tớ, lính mộ, hò sản xuất, địch vận, hò thợ mộc, thợ nề, thợ may, nậu săm, lỉa trâu…Nó mang tính nhân đạo và tính chiến đấu. Nó là chân, thiện, mỹ…
Ngày trước, do ý thức hệ phong kiến ràng buộc, có những đôi trai gái yêu nhau tha thiết mà không lấy được nhau. Mối tình tan vỡ, họ không hề nói xấu nhau, xỉa xoi sát mạt nhau, mà cư xử với nhau rất văn hóa. Họ cầu mong cho nhau cuộc sống hạnh phúc. Hiện tại không lấy được nhau thì sau này con cái sẽ nối lại nhân duyên.
Ta hãy nghe cô gái phân trần:
“ Thiếp với chàng ái ân không trọn được.
Dẫu không nên tình trước, hãy còn có nghĩa sau.
Thành thất, thành gia bất luận khó hay giàu,
Rồi có con ra, ta gả cho nhau đẹp tình…”

Tình nghĩa thời trẻ là thế. Người già sáu, bảy mươi tuổi với vui vẻ lạc quan với cảnh già:
“ Nước bên kia chảy qua Hói Đợi.
Nợ duyên chi hai đứa miềng có lợi không răng!
Bạc phơ mái tóc…da nhăn tứ phèo”
Ông cụ tuổi đã ngoài bảy mươi, hò trả cho bà cụ cũng tinh tế, dí dỏm như sau:
“ Nước bên Gia, chảy qua Hói Thá
Nhân nghĩa chi hai đứa miệng cọp má, rụng răng!
Nhưng ơn trời tuổi thọ, cầm bằng thế gian!”
Tuổi già như vậy thì ai chả mong ước, dù cho đời thực còn có oái oăm. Điều đó thật đáng quý!
Người Lệ Thủy thông qua hò khoan mà đấu tranh rất có hiệu quả. Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ. Thực dân Pháp tuyển mộ người Việt Nam đi lính sang Pháp chết thay cho chúng. Những câu hò lính mộ, thủ thỉ tâm tình phá âm mưa giặc như:
“ Tình thế đảo điên, nhà cửa gạo tiền chẳng có,
Mẹ già con dại cơ khổ quá chừng…
Anh đi lính mộ, chỉ sướng một mình.
Trước anh phụ công ơn dưỡng dục, sau anh đã đoạn tình với vợ con!”
Cách mạng Tháng Tám thành công chưa bao lâu, giặc Pháp quay lại xâm lược. Với âm mưu thâm độc "dùng người Việt đánh người Việt…”Đưa Bảo Đại ra làm chiêu bài độc lập, tổ chức quân ngụy, gọi là lính bảo vệ… ở vùng tạm bị chiếm, bọn chúng ra chợ hống hách, quấy nhiễu nhân dân. Một mẹ già cất lên tiếng hò giữa chợ vạch mặt chúng:
“ Lính đồn bảo vệ nơi mô,
ở đây lính bảo vệ, đá đổ cá khô của mẹ rồi!”
Bọn chúng cho là mẹ nói xấu lính quốc gia, hùng hùng hỗ hỗ bắt mẹ vào đồn. Tên cai tỏ ra “có văn hóa” bảo mẹ: Hò hát khá hò lại đi! Hay ta tha, dỡ ta đánh! Phải ca ngợi cụ Hoàng Bảo Đại. Nghe không?
Bà già bình thản hò liền:
“ ở trung Châu vọng cầu Bảo Đại.
Ngó lên chiến khu, nhớ ngãi Cụ Hồ.
Hai bên chưa biết độc lập bên mô,
Nước trong mà khuấy ra “Hồ” mới ngoan!”
Nghe câu hò, cả toán lính tái mặt. Chúng căm lắm nhưng không làm gì được, phải thả cho mẹ về.
Thời chống Mỹ hò khoan rộn ràng cả vùng quê Hai Huyện, nội dung lao động sản xuất và đấu tranh thống nhất nước nhà đã biến thành tình cảm, thành hành động:
“…Nhờ có Đảng, ngọn đèn sáng tỏ.
Bưng bát cơm ăn, lòng tự nhủ lòng:
Vì tự do độc lập, vì thống nhất non sông.
Xin hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc để tỏ dạ hiếu trung với nước nhà.
Tổ quốc thống nhất rồi, đất nước đang trên đường đổi mới. Khai thác thế mạnh vùng đồi, làm giàu cho quê hương, được các câu hò khoan phản ánh rất hay:
“…Vùng chiến khu xưa, đang tong ngày chuyển đổi.
Vận hội đến rồi, vùng kinh tế mới hòa vui.
Đồi tiếp đồi điện sáng trăng soi,
Ngỡ Thiên Thai lạc bước, tưởng Bồng Lai chốn này.
Rõ ràng hò khoan là vũ khí vạn năng, phong phú đa dạng gắn liền với cuộc sống của người dân từ xưa đến nay.
Nói về nghệ thuật, hò khoan Lệ Thủy cũng hết sức độc đáo, sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ: hoán dụ, ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, đồng âm dị nghĩa, nói lái, nói leo…làm cho ngôn ngữ phong phú, tinh tế, cuốn hút người nghe. Nó còn độc đáo ở nhạc điệu. Nghe hò một câu cũng hay, nghe hò thâu đêm suốt sáng, cũng không chán.
Đặc trưng của âm nhạc trong hò khoan là không có nốt kết, nốt kết của hò con mở ra nốt đầu cho hò cái, nốt kết của hò cái lại mở đầu cho hò con, nó là sự chuyển tiếp thành một dây, như dãy số tuần hoàn trên trục số, không bao giờ dứt cả.
Về nhịp điệu câu chữ trong hò khoan rất linh hoạt. Từ hai nhịp có thể kéo dài ra năm, sáu nhịp.Từ giữa câu có thể bắt lại đầu câu, vì thế là một câu thơ lục bát có thể thành ra câu hò. Câu song thất lục bát cũng hò được, nói một lối rất dài cũng hò được.
Câu hò ngắn:
“ Ai mà đốt độông, cháy tranh.
Cho liềm bỏ xóc cho anh bỏ nàng!”
Câu hò dài:
“ Tệ lắm anh ơi! bạc lắm anh ơi!
Ngày xưa kia bán tử chi tình, vô vòng con rể…
Thầy mẹ ở nhà thương rể để giữa bàn tay…
Gánh tương tư ngày nặng một ngày
Nay chừ chàng nghe ai mà nguôi lòng, lạt dạ.
Nên duyên nợ càng ngày càng xa!...”
Nghệ thuật ấy đã giúp cho người hò sử dụng được mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Đây là tài sản vô cùng quý giá mà ông cha ta đã sáng tạo ra, đậm đà bản sắc vùng quê Lệ Thủy Quảng Bình. Ngày nay dưới ánh sáng Nghị quyết V của BCHTW Đảng, viên ngọc này càng lunh linh chiếu rọi, làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói rằng từ bao đời nay, hò khoan Lệ Thủy gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp với thôn xóm, nó là một thứ văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn người dân xứ Lệ. Mặc dù cư dân ở đâychủ yếu làm nghề lúa nước, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn với khí hậu khắc nghiệt nhưng người dân đến tìm đến với những làn điệu dân ca, hò khoan mộc mạc bằng một tinh thần rất lớn , với một ý chí quyết tâm cao bỏ qua những trở ngại phía trước để vươn lên và mong muốn đạt được nhiều điều tốt lànểutong cuộc sống hằng ngày, trong lao động cũng như trong giải trí.
Với tất cả ý chí và tâm hồn cao đẹp đó Hò khoan Lệ Thủy đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của dân tộc. Hò khoan Lệ Thủy còn tạo cho con người sự đoàn kết yêu thương, gửi gắm tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người và hướng tới tương lai qua những làn điệu hò khoan mộc mạc, dễ gần và dễ đi vào lòng người. Hò khoan Lệ Thủy lưu trữ và giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Xứ Lệ nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.
Ngày nay đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, trình độ dân trí ngày càng nâng cao chắc chắn sẽ tác động tích cực đến văn hóa địa phương đặc biệt là những làn điệu hò khoan và làm cho hò khoan Lệ Thủy ngày càng phong phú thêm. Chúng ta hi vọng rằng nhân dân sáng tác ra nhiều đứa con tinh thần và sẽ giữ gìn những tinh hoa văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của người dân Lệ Thủy góp phần vào sự phong phú của văn hóa nước nhà.
Về Đầu Trang Go down
http://www.google.com.vn/
 
Hò khoan Lệ Thủy - Nét đặc sắc, độc đáo của quê hương xứ Lệ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
»  Lệ Thủy địa linh, nhân kiệt
» Hò khoan Lệ Thủy - Quảng Bình
» Lệ Thủy !!!! Cái tên từ đâu ???
» NHỮNG CÁI CHỢ Ở LỆ THỦY
» Video Lễ hội bơi đua thuyền Lệ Thủy

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Phạm Tộc: Lộc Hạ - An Thủy - Lệ Thủy - Quãng Bình :: Thông tin về Tộc họ :: Bài viết về quê hương-
Chuyển đến